@KAREL PHUNG
Vụ mùa năm nay dự kiến Nga sẽ vượt Mỹ về xuất khẩu lúa mạch trắng, đó là số liệu của sở thống kê liên bang Đức. Vụ mùa năm 2013-2014 Nga xuất khẩu 18,5 triệu tấn thì sang năm nay khả năng con số ấy sẽ tăng lên 23,5 triệu tấn. Để so sánh: Vụ mùa 2013-2014 Mỹ xuất khẩu 31,5 triệu tấn lúa mạch trắng. 2014-2015 giảm xuống còn 22,7 triệu tấn và dự kiến năm nay sẽ chỉ còn 21,5 triệu tấn.
So với Nga, toàn bộ 28 nước trong khối EU xuất khẩu không nhiều. 32 triệu tấn là con số mà cả 28 nước EU bán ra trong vụ mùa này. Như vậy so sánh giữa các nước, Nga xuất khẩu nhiều lúa mạch trắng nhất thế giới.
Một bản báo cáo của bộ liên bang về vấn đề thực phẩm, nông nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng năm 2012 cho biết, Nga là nước trù phú bậc nhất thế giới. 20% dự trữ nước ngọt toàn thế giới, 52% diện tích đất đen toàn thế giới nằm ở Nga. Bên cạnh đó Nga còn có 8,9% diện tích trồng trọt, 2,6% diện tích đồng cỏ, 83,5 tỷ mét khối gỗ dự trữ, nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên một số mặt hàng của Nga sản lượng còn quá thấp so với nhu cầu cũng như tiềm năng của Nga. Dân số của Nga chiếm 2,2% dân số thế giới, thu nhập quốc dân chiếm 3,2%. Sản xuất sữa chỉ chiếm 5%, ngũ cốc đậu và trứng chỉ chiếm 3% và thịt chỉ chiếm 2%. Tới năm 2008, nước Nga còn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu: 35% dầu thực vật, 44% đường, 39% thịt, 22% sữa đều phải nhập từ nước ngoài.
Một số lý do dẫn tới sự việc kể trên bao gồm:
- Điều kiện thời tiết khí hậu
- Cơ giới hóa rất thấp
- Thiếu phân bón
- Đất bạc màu
- Các cơ sở nông nghiệp còn thiếu vốn
- Các điều kiện gây khó khăn cho kinh doanh và điều kiện thuế. Môi trường luật pháp kém và tham nhũng.
Điều kiện khí hậu ở Nga chỉ cho phép sử dụng khoảng 13% diện tích làm nông nghiệp. Trong đó 60% trồng trọt và số còn lại là các đồng cỏ.
Tổng số diện tích nông nghiệp của Nga 220,4 triệu hectar. Diện tích sử dụng cho nông nghiệp 197,6 triệu hectar. Khu vực trồng trọt 121,4 triệu hectar. Cánh đồng cỏ 92,1 triệu hectar và diện tích bỏ hoang vào khoảng 3-5 triệu hectar.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, việc chăm sóc nông nghiệp bị bỏ quên khiến cho rất nhiều nơi trở thành đầm lầy, bị lụt thường xuyên, đất bị muối hoặc bị chua nên không thể trồng trọt được. Cho tới năm 2012, 70% hệ thống máy bơm nước trưới tiêu cũ từ thời Liên Xô không còn hoạt động, hầu hết hệ thống kênh mương dẫn nước cho tưới tiêu cũng bị bỏ hoang hóa, các hồ trữ nước bị cạn kiệt.
Với sự phát triển kinh tế của Nga trong hai thập niên qua, một khoản tiền ít nhất 850 tỷ Rubel sẽ được đầu tư cho nông nghiệp tới năm 2020 cải thiện toàn bộ hệ thống thủy lợi cấp nước cũng như tiêu nước úng, xây dựng dải chắn gió cho các khu trồng trọt, phục hồi khu vực đất bị hậu quả hạn hán từ năm 2010. 260 ngàn hectar sẽ được khử muối, 1,7 triệu hectar được bón phân cũng như một diện tích khá lớn sẽ được khử phèn. Ngoài ra liên bang Nga cũng đẩy mạnh chương trình tự chủ về các mặt hàng nông nghiệp đặc biệt là chăn nuôi bò sữa và các loại gia súc gia cầm, tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành máy móc nhằm cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng các nhà máy đường, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng cơ sở nông thôn cũng như hệ thống kho hàng bảo quản ngũ cốc. Ngoài ra liên bang Nga cũng hỗ trợ các hộ, các hợp tác xã nông nghiệp trong vấn đề nợ. Hậu quả sau 1991 khi ngành nông nghiệp sụp đổ đã khiến cho năm 2009 tổng số nợ của các cơ sở nông nghiệp lên tới 776 tỷ Rub, tương đương với 30% tổng số sản phẩm ngành nông nghiệp làm ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét