Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Người Miêu: Lịch Sử Của Một Dân Tộc Lưu Vong


Phân bố nhóm ngôn ngữ Miêu-Hmong

Phân bố nhóm ngôn ngữ Miêu-Hmong- Ảnh
Trần Trúc Lâm
Sắc tộc Hmong, mà ta hay gọi là Miêu tộc hay người Mèo, ước tính hiện có khoảng hơn 6 triệu dân trên thế giới, mà đại đa số lại sống ở Trung quốc. Số còn lại sống rãi rác ở miền bắc các nước Việt, Lào, Thái và Miến điện. Có khoảng 80 ngàn người đã được định cư tại Hoa Kỳ. Đã có
khá nhiều sách báo Tây phương, nhất là Mỹ nghiên cứu về sắc dân này. Càng tìm hiểu thì chúng ta sẽ càng ngạc nhiên về lịch sử hùng tráng và lâu đời của một dân tộc kém may mắn, đã bị suy vong mai một mà trở thành một sắc tộc miền núi. Ôi thật là tang thương ngẫu lục với trò dâu biển ngậm ngùi.
Người Trung hoa xưa phân biệt sắc tộc Hmong ra làm hai loại: loại đã thuần (shu) và loại hoang (sheng). Loại Hmong thuần là nhóm đã được đồng hóa với người Hoa, còn loại hoang là nhóm sống biệt lập trong rừng, thoát ngoài vòng kiềm tỏa của chính quyền. Những nhà truyền giáo Tây phương lần đầu tiếp xúc với nhóm Hmong sống hoang dã ở vùng Tứ- xuyên, Vân-nam vào thế kỷ 17 rất lấy làm ngạc nhiên là họ không có nét thuần Á châu mà lại phảng phất giống caucasian, nhiều người lại có màu tóc hung hoặc bạch kim, và vài người lại có mắt xanh. Có thể là vì thế mà người Hoa gọi họ là Miêu, hay Mèo chăng? Số người giống caucasian này còn lại tương đối ít vì các chính quyền liên tiếp của Trung-quốc luôn luôn tìm cách sát hại họ, dù họ đã trốn sang Lào, không nương tay, ngay cả đến thời Dân quốc và Trung cộng ngày nay.
Sự kiện này đã làm các nhà truyền giáo bấy giờ bỏ công tìm hiểu thêm về nguồn gốc của người Hmong. Nhưng sử sách của người Hoa lại hầu như muốn bỏ quên giống dân này, chẳng có mấy sách cổ nhắc đến một cách rõ ràng, không khác gì khi nói về nguồn gốc của Việt tộc. Ngay cả các nhà sử học người Hoa vẫn cho rằng người Hmong là kẻ thù đầu tiên của Hoa tộc, và xuyên suốt sử Tàu kể từ triều đại đầu tiên cho đến nhà Mãn Thanh, người Hmong đã không ngừng nổi dậy và bị truy diệt bởi quan quân Trung quốc.
Cuốn sách đầu tiên đề cập tương đối đầy đủ về giống Hmong là cuốn “Histoire des Miao” (Lịch sử về Miêu tộc) do nhà truyền giáo F. M. Savina, thuộc Hội truyền giáo hải ngoại, trụ sở đặt tại Paris, cho phát hành năm 1924 sau một thời gian dài chung sống với nhiều bộ tộc Hmong ở Bắc kỳ và Lào.
Nguồn gốc Miêu tộc
Về sau, nhiều nhà sử học đồng ý rằng trong thời cổ đại giống Hmong xuất phát từ châu Âu, di dân dần đến vùng đồng khô Siberia (Tây Bá Lợi Á), rồi mới đến định cư ở lưu vực sông Hoàng-hà vài ngàn năm trước. Huyền thoại của dân tộc Hmong còn lưu truyền vẫn nhắc đến tổ tiên của họ vốn đã sống ở một vùng quanh năm tuyết phủ, băng giá, ngày và đêm kéo dài đến cả 6 tháng. Với người Hmong sống ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, chẳng hề thấy tuyết cho nên ngôn từ họ dùng để kể chuyện là “nước cứng” và “cát trắng mịn”.
Số phận dân Hmong bắt đầu gắn liền với sử Trung quốc có thể vào khoảng từ 3000 trước TL đến 1200 trước TL.
Khoảng 2700 trước TL, những di dân từ Siberia đã đi dần xuống vùng trung thổ qua khu vực mà ngày nay gọi là Manchuria, Hà-bắc khi khí hậu ấm áp hơn cho phép, và người Hmong đã định cư tại lưu vực sông Hoàng-hà ở vùng thượng Hà-nam. Lúc bấy giờ đã có bộ tộc Hoa Yangshao chiếm cứ vùng Thiểm tây, Sơn tây và Hà nam cả ngàn năm trước. Bộ tộc này chỉ là bộ lạc miền núi chuyên về phá rừng du canh. Về sau bộ tộc Hoa Yangshao này hòa nhập với bộ tộc Hoa Lungshan chuyên về ruộng nước ở Sơn đông.
Nhiều truyền thuyết nói đến sự hùng mạnh của Miêu tộc ở vào thời tiền sử của Trung hoa, đưa đến chỗ xung đột không thể tránh khỏi giữa các thế lực lúc bấy giờ. Theo người Hoa thì Hiên-Viên (Huan-yuan) sau khi thống lĩnh các thị tộc người Hoa (khoảng 2697 trước TL), liền tìm cách tiêu diệt luôn Xi-Vưu là tù trưởng của Miêu-tộc dể chiếm miền lưu vực Hoàng Hà mà vào bản bộ của Trung quốc. Sau khi toàn thắng, Hiên Viên lên ngôi xưng là Hoàng đế (Hoang-ti) mở đầu thời Ngũ đế, đồng thời với Họ Hồng Bàng của Việt sử. Người ta lại gán cho thời Hoàng đế kéo dài đúng 100 năm, và dưới thời này người Hoa đã phát minh ra được thuyền bè, xe kéo, cung tên, áo giáp, nông cụ bằng đá, đồ dùng bằng gỗ và đất nung, biết xây nhà cửa to lớn, biết làm lịch chia ra 12 giáp, chu kỳ 60 năm để đoán ngày tháng gieo trồng vv…
Hẳn nhiên Hoàng đế chỉ là một nhân vật huyền thoại của người Tầu, bởi cho đến nay các cuộc khảo sát vẫn không tìm ra được bằng chứng gì về triều đại này. Tuy nhiên huyền thoại này đã nói lên được sự xung đột giữa 2 dân tộc Hoa – Miêu đã xảy ra rất sớm, và từ đó cứ kéo dài mãi suốt lịch sử Trung quốc.
Cuộc sống mái với Hoa tộc qua các triều đại
Năm 1576 trước TL, vua Thang, thực ra chỉ là một tù trưởng thuộc bộ lạc tộc Thương, lôi kéo được các bộ lạc khác diệt được vua Kiệt của nhà Hạ (Xia hay Hsia), lập ra Nhà Thương (Shang hay Yin) (1576 – 1059 trước TL), thống lĩnh một giải đất thuộc tỉnh Hà-nam và Sơn-tây bây giờ. Đến đời vua thứ 8 là Bàn Canh dời đô về đất Ân, nên còn gọi là đời Ân. Dưới đời này thị tộc phụ hệ, định canh, mục súc, tằm tang và chế độ tư hữu bắt đầu phát triển. Bộ tộc Ân rất hiếu chiến, giao tranh luôn với các bộ tộc khác để chiếm thêm đất đai. Quân địch bại trận bị bắt làm nô lệ, và còn dùng làm vật hy sinh để tế thần nữa.Vào năm 1930, trong một cuộc đào xới khảo sát tại nhiều cổ mộ ở đất Ân (Anyang), kinh đô đời nhà Thương, người ta tìm thấy có nhiều hài cốt của tộc phi-mông-cổ (có nghĩa là gốc caucasian) lẫn lộn.
Đến đời Chu (Chou hay Zhou: 1059 – 221 trước TL) thì ngay sau khi diệt được vua Trụ của nhà Thương, Vũ vương liền đày một số tộc Miêu lên vùng biên cương Cam-túc (Kansu), tịch thu hết ruộng đất của họ. Nhà Chu còn bắt họ canh tác dưới sự kiểm soát của các đội biên phòng, nhưng người Hmong, quen sống tự do bỏ trốn vào rừng và bắt đầu cuộc sống kham khổ của miền núi. Đến thế kỷ thứ 7 trước TL, Miêu tộc kết hợp với các rợ khác như Tây Nhung, Khuyển Nhung, Rong và Di ở lưu vực sông Vị nổi lên đánh phá các trú phòng của quân nhà Chu. Nhánh tộc Miêu này về sau không còn nghe nói đến trong sử Trung quốc. Có truyền thuyết cho rằng một phần đã bị đồng hóa trước TL, và một phần theo giòng sông Vệ vào vùng Tứ-xuyên, rồi trốn vào Tây-tạng yên sống trong chốn thâm sơn cùng cốc.
Số tộc Miêu ở nội địa cũng bị đàn áp không kém bởi quan lại nhà Chu, do đó mà họ luôn nổi dậy. Năm 826 trước TL, Miêu tộc bị thảm bại phải tẩu táng khắp phương; một số chạy đến bờ biển theo thuyền xuôi vào biển Nam, một số đến Quảng-tây, Hồ-nam; số lớn di tản vào vùng thượng du Tứ-xuyên và Quế-châu, xa khỏi vòng kiềm chế của nhà Chu.
Ấy vậy mà năm 770 trước TL, U-vương (vợ là Bao Tự) đã bị rợ Khuyển-nhung tấn công vào kinh đô giết chết. Con là Bình-vương phải dời đô từ Cảo Kinh (Tây đô) về Lạc Dương (tức Đông đô), nên sử gọi là Đông Chu.
Tiếp sau đó, nước Tầu bị loạn lạc Xuân Thu (Chun-Qiu: 722 – 481 trước TL), rồi Chiến quốc (453 – 221 trước TL.), số phận Miêu tộc không nghe nhắc đến trong giai đoạn này của sử Tầu. Cùng thời xin nhớ rằng, ở nước Văn Lang khoảng 275 trước TL, Thục Phán dành được ngôi từ Hùng Vương thứ 18 và xưng là An Dương Vương, cải quốc hiệu là Âu Lạc, xây thành Cổ loa.
Mãi đến đời Tần (Ch’in hay Qin: 221 – 206 trước TL), sau khi nhất thống Trung quốc Tần Thỉ Hoàng (Shih Huang-ti) dời đô về Hàm dương, quyết tâm đè bẹp các cuộc nổi loạn, rồi xây Vạn lý trường thành để ngăn cản sự xâm lăng của rợ phương Bắc. Tần Thỉ Hoàng đã ra lệnh cho tướng Đồ-Thư đánh chiếm các xứ Bách Việt ở phương nam (khoảng các tỉnh Hồ-nam. Quảng đông và Quảng tây bây giờ), rồi cho di dân hơn 50 vạn người đến khai khẩn, đặt quan úy quận Nam-hải là Triệu Đà cai quản. An dương vương xin thần phục nhà Tần.
Khi nước Tầu lâm cảnh loạn lạc với Lưu Bang (Hán) và Hạng Võ (Sở) tranh hùng thì năm 208 trước TL, Triệu Đà đánh chiếm nước Âu lạc, lập ra nước Nam Việt (gồm Quế lâm, Nam hải và Tượng quận).
Khi nhà Hán tiếp ngôi (206 trước CN – 220 TL), nhờ yên ổn với các rợ, họ đã chú tâm mở rộng bờ cõi thêm. Đời Vũ Đế (134 – 88 trước TL), quân Hán đã đánh chiếm Triều tiên và chia ra làm 4 quận. Năm 111 trước TL lại sai Lộ-bác-Đức chiếm nước Nam Việt, đổi thành Giao-chỉ bộ (Chiao-chih chun) chia ra làm 9 quận. Quân Hán còn chiếm các đất của rợ Di, phía Tây nam như Vân-nam, Quế-châu và Tứ-xuyên bây giờ, trong đó có Miêu tộc ở Quảng-tây. Năm 41 vua Quang-vũ nhà Đông Hán lại sai tướng Mã Viện (Ma-yuan) sang đánh dẹp cuộc nổi loạn của Hai bà Trưng ở quận Giao-chỉ, rồi dựng cột đồng ở biên giới. Hai mươi hai năm sau, quân Hán mở thêm một trận càn quét cuộc nổi loạn của Miêu tộc ở phía nam Hồ-nam, và tướng già Mã Viện đã chết cùng với trên 2 vạn quân vì bệnh ôn dịch trong khi hành quân.
Nhà Đông Hán đã trả thù rất khốc liệt bằng cách tàn sát mọi dân lành, cướp bóc và đốt phá các làng mạc người Hmong trong vùng liên tục tròn 3 năm cho đến đời Chiêu-đế mới nới lỏng, nhưng đã không tiêu diệt được tinh thần tự cường của Miêu tộc.
Đến thời Tam Quốc (Ngụy-Thục-Ngô: Wei, Shu Han, Wu) thì người Miêu lại lớn mạnh và làm chủ phần lớn đất Hồ-nam và Quế-châu, lại còn có ảnh hưởng đến tận mạn nam của Hồ-bắc, rồi theo sông Hán đến tận mạn bắc. Họ còn cố quay về chốn cũ ở Hà-nam, Sơn-tây và lan đến phía đông An-huy.
Sau đời Tấn (Chin hay Jin: 265 – 316) thì nước Tầu suy yếu, rơi vào hỗn loạn của thời Nam Bắc triều (Nan Bei) (hay còn gọi là Lục triều: 317 – 589) thì khoảng từ 403 đến 561 đã có đến hơn 40 lần người Hmong nổi dậy để đòi độc lập, cùng với những sắc tộc khác ở khắp nơi mà sử Tầu gọi là Loạn Ngũ hồ (Hung-nô, Yết, Tiên-ti, Chi, Khương).
Đến giữa thế kỷ thứ 6, người Hmong đã thiết lập được một vương quốc tạm bợ khá rộng ở phía tây Trung quốc kéo dài từ Hà-nam, qua Hồ-bắc, Hồ-nam xuống đến Quảng-tây, có thể lẫn lộn biên cương giữa các nước Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu hoặc Bắc Tề luôn thay đổi. Họ được các thế lực tranh giành giữa Nam và Bắc triều mua chuộc, lôi kéo, nên một số danh sĩ được tiến cử vào các triều. Nhưng thời gian vui hưởng này không kéo dài được lâu vì đến khi Lý Uyên thiết lập nhà Đường (T’ang: 618 – 907) sau khi dẹp nhà Tùy (Sui: 589 – 618), thì bắt đầu đánh dẹp và thu hồi đất đai đã mất vào tay các rợ, trong đó có Hmong. Đổi lại, nhà Đường cho các vùng ấy được tự trị và phải đóng thuế cho triều đình.
Chấm dứt một thời oanh liệt
Đến năm 907, nước Tầu lại bị loạn lạc với thời kỳ Ngũ đại (Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu) và Thập quốc (907 – 960), nhà Hậu Chu cố đánh lấy vương quốc Hmong. Đến khi nhà Tống tái thống nhất Trung quốc (Sung: 960-1279), lại cử binh giành lại các đất vùng Hồ-bắc và Hồ-nam. Trong các cuộc giao tranh toàn bộ vương triều của Hmong bị tiêu diệt, và đây cũng là bước ngoặc lịch sử chấm dứt thời vàng son của bộ tộc Miêu.
Truyền kỳ còn được kể lại giữa người Miêu về những ngày bi thảm đó như sau: Hang Tchu là vua của Miêu tộc lúc bấy giờ, đã già và mệt mỏi vì chiến trận, giàn quân kháng cự quân Tống. Con gái duy nhất của Hang Tchu là Ngao Shing cũng cùng xông pha trận tuyến với cha. Nàng không những xinh đẹp mà còn học được phép lạ với lá cờ thần bí, khi phất lên là bảo tố kéo đến phá tan quân Tống.
Tướng nhà Tống là Tỷ Thanh (Ty Ching) cầu hòa với điều kiện là Miêu tộc phải trao lá cờ phép cho họ. Triều thần người Miêu họp bàn và sợ rằng người Hoa bày quỉ kế, nên trao một lá cờ giả. Tỷ Thanh vội dâng lá cờ cho vua Tống, nhưng khi thử với lửa thì biết là không phải lá cờ thật. Tỷ Thanh liền bị bỏ ngục và kết án tử hình nhưng nhờ triều thần can gián cho đoái công chuộc tội. Y liền quay lại đất Hồ giả làm môi giới để cầu hôn Ngao Shing cho thái tử nhà Tống. Vua Miêu chấp thuận nhưng Ngao Shing thì nhất định cự tuyệt, liền bị vua cha bạc đãi đến chết. Nàng qua đời thì cờ phép cũng trở nên vô hiệu cho nên Tỷ Thanh mới có thể tiêu diệt được triều thần Hang Tchu.
Người Hmong lại phải chạy trốn vào vùng Quế-châu và Tứ-xuyên; số khác lại tẩu táng xuống Quảng-đông và Quảng-tây, trở thành những bộ lạc thiểu số. Quan cai trị người Hoa lại còn chia rẽ họ bằng cách phân nhóm và buộc họ phải ăn mặc y phục có màu khác nhau, và từ đó mà ta biết đến nhóm Miêu đen, trắng, hoa, đỏ và xanh. Mỗi nhóm lại cử lên một tộc trưởng, một chức vụ như là tiểu vương (kiatong). Tuy vậy họ vẫn luôn tìm cách liên kết với nhau khi cần chống lại kẻ thù chung là Hoa tộc.
Có một bài phóng sự trong nước mới đây mô tả về trang phục của phụ nữ Mông một cách khá thơ mộng, xin được trích dẫn nguyên văn như sau:
“Họ cư trú trên các thung lũng của miền núi phía Bắc (Việt Nam). Leo ngược lên các triền núi dốc, ở độ cao một ngàn ta bắt gặp những bản làng của người Mông, bốn mùa mây mù, sương phủ. Bao quanh những bản làng là những vạt rừng thưa, những trảng cỏ, những dãy đồi trọc trơ sỏi đá, với những con đường mòn vừa đủ cho người địu gùi, cho ngựa thồ nằm vắt mình qua các triền núi cheo leo.
Giữa khung cảnh tịch mịch hoang vu ấy, du khách bắt gặp những cô gái, chàng trai người Mông đi chợ, bộ trang phục nữ với váy, áo, khăn, vòng, ô sặc sở, lóng lánh vòng khuyên, nổi bật lên giữa cái thâm u của rừng núi, làm cho cảnh sắc thiên nhiên bỗng sinh động và ấm áp. Hay giữa các phiên chợ vùng cao, bên cạnh các cô gái Thái, Tày, Nùng, Dao …vẫn nổi bật sắc mầu của các cô gái Mông: Đây là cô gái Mông Trắng mặc váy trắng tuyền, tay áo ghép nhiều mầu, yếm hoa phô sau gáy, kia là các cô gái Mông Hoa, váy xếp nếp xòa đủ 12 màu, áo cài khuy nách, có nẹp hoa ở vai, ở ngực, còn mang trên mình khăn và túi. Rồi phải kể đến cô gái Mông Đen quấn vành khăn nhiều nếp nhô cao, váy hoa xúng xính, khuyên tai, vành bạc đủ bộ, làm mỗi bước đi rung lên thành nhạc, còn cô gái Mông Lai trong tiết rời se lạnh sặc sỡ một mầu đỏ thắm của y phục truyền thống.” …
Trở lại câu chuyện gốc gác người Hmong ở Tầu thì sau khi bị phân tán vào các vùng cao nguyên và rừng rậm, người Miêu tạm sống yên ổn bởi nhà Tống bận rộn trong việc chấn hưng nền kinh tế và giao thương của Trung quốc mà xao lãng quân sự đưa đến việc rợ Khế-đơn (Kitans) lập nên nước Liêu (Liao) ở mạn Tây bắc và rợ Tiên-ti (Tartars) lập nên nước Tây Hạ (Western Xia) ở vùng Giang bắc, Ninh-hạ và Cam-túc. Từ đó nước Tầu lại can qua giữa 3 nước.
Những năm về sau ở nước Liêu, Mãn-tộc bắt đầu hưng thịnh tách ra lập ra nước Đại-Kim (Juchen Chin hay Kin: 1115 – 1234). Tống Hy-tông liên kết với Đại-Kim để diệt Liêu, rồi nhà Tống quá suy yếu lại phải triều cống vua Kim. Trong khi ấy, giống Mông-cổ phát triển hùng mạnh với Thành-cát-tư-hản (Genghis Khan) khởi binh chiếm nữa phía bắc nước Kim vào năm 1215 rồi quay sang chiếm trọn Trung Á và tàn phá vùng Nga-la-tư. Khi quay về đông phương lại diệt luôn nước Tây Hạ vào năm 1224, chọn Yên-kinh (Yenkin: về sau trở thành Bắc Kinh ngày nay) làm kinh đô, xưng là Nguyên-thái-tổ.
Sau khi Thành-cát-tư-hản mất năm 1227, thì con là Oa-khoát-đài hay A-loa-đài (Ogadai) thôn tính trọn nước Kim năm 1234 và khủng bố đến tận vùng Trung Âu. Sau khi Oa-khoát-đài mất, Mông-kha (Mongke) lên ngôi một mặt tiếp tục tàn phá châu Âu và mặt khác sai cháu cuả Oa-khát-đài là Hốt-tất-liệt (Kublai Khan) cử binh đánh và diệt nước Đại Lý, hậu thân của nưuớc Nam chiếu (ở vùng Vân-nam bây giờ) vào năm 1253, rồi tiến đánh nhà Nam Tống và nước An-nam. Khi Hốt-tất-liệt đánh vào Quế-châu, Tứ-xuyên, quân Mông-cổ đã không tiến sâu vào vùng cao nguyên cho nên Miêu tộc không bị sát hại nhiều.
Khoảng từ năm 1267 đến 1279 Hốt-tất-liệt, diệt được nhà Tống vừa khi Mông-kha mất, liền lên ngôi xưng hiệu là Nguyên-thế-tổ, lập nên nhà Nguyên (Yuan: 1279 – 1368) ở Trung- quốc. Vua Tống Cung-đế và các đại thần phải nhảy xuống biển tự vận.
Đến năm 1368 Châu Nguyên Chương (Zhu Yuanzhang), vốn là một nhà sư nổi lên đánh đuổi được quân Mông-cổ lập nên nhà Minh (Ming: 1368 – 1644). Nhà Minh lại nhắm vào Miến-điện như là cửa ngõ buôn bán với vùng Đông-nam Á, nên quyết bình định vùng Vân-nam. Trước tiên họ đặt ra hệ-thống thổ-ty (Tu Si system) và ưu đãi nhóm người Lô-lô mà đàn áp người Miêu đẫn đến việc người Miêu thường xuyên nổi dậy. Năm 1459 quan quân nhà Minh đã thiết lập hơn 2 ngàn đồn biên phòng tại Quế-châu, Tứ-xuyên, để từ đó liên tục mở các cuộc hành quân đánh phá làng mạc và căn cứ địa của người Miêu, và tàn sát đến hơn 40 ngàn người.
Từ đó cho đến cuối thế kỷ thứ 16, không năm nào mà người Miêu không vùng lên đòi độc lập, và tung hoành một cõi từ Quế-châu đến tận Hồ-nam. Để ngăn chận họ, nhà Minh cho xây một trường thành nhỏ giống Vạn-lý trường-thành gọi là Miêu Thành cao 8 bộ và kéo dài hằng trăm dặm ở biên giới Hồ-nam và Quế-châu.
Số phận vẫn còn bi đát
Năm 1616, người Mãn-châu là hậu duệ của nước Kim lại bắt đầu cường thịnh, Nỗ-nhỉ-cáp-xích quật khởi ở miền Liêu-ninh xưng là Thái-tổ và đặt tên nước là Hậu Kim, đặt đô ở Thẩm-dương chống lại nhà Minh. Năm 1636, Hoàng-thái-cực kế vị vua cha, đổi tên nước là Đại Thanh đi chinh phục Triều-tiên, Nội Mông-cổ và miền Đông-bắc của Minh triều và đến năm 1644 thì Thuận-trị dứt được nhà Minh, thiết lập Thanh triều ở Trung-quốc (Ch’ing hay Qing: 1644 – 1911).
Tàn quân nhà Minh kéo nhau tị nạn sang Nhật-bản và Việt-nam. Một số khác do Hoàng Minh và Mã Báo bỏ Quảng-tây trốn vào Quế-châu cốt tìm đường sang Vân-nam. Để đền ơn cưu mang của Miêu tộc, Hoàng Minh giao lại cho họ toàn bộ vũ khí và còn bày cho cách chế tạo súng hỏa mai mà ngày nay người Miêu vẫn còn sử dụng.
Sự kiện này đã làm cho nhà Thanh thêm lo ngại, nên năm 1727, Thân vương Oa-đài (Ortai), thống đốc Quế-châu mở chiến dịch càn quét, sai tướng Dương Quang Sĩ (Zhang Kwang Si) tấn công vào Quí-dương (Guiyang) là thủ phủ rồi vào Liễu-bình (Lip’ing). Quân Hmong đông đến hơn 10 ngàn người trang bị đầy đủ vũ khí với súng hỏa mai và đại bác nghênh chiến. Tổn thất hai bên rất cao, nhưng cuối cùng quân Thanh thắng thế, tịch thu tất cả vũ khí của người Miêu đúc thành một trụ tượng kỷ niệm chiến thắng bằng sắt cao 11 bộ dựng ở một hòn đảo trên sông Liên, cửa vào Quí-dương.
Để trả thù, quân Miêu kéo từ núi xuống tàn sát dân ở 4 thị trấn ven sông. Nhà Thanh phải đem viện binh từ các tỉnh lân cận đến tấn công vào cứ điểm của người Hmong từ ba mặt. Quân Miêu vỡ, số thua trận đầu hàng đều bị giết sạch. Điều này làm cho các bộ lạc Miêu rút vào rừng sâu và liên kết dựng những hỏa đài báo hiệu sự tiến công của quân Thanh trên các sườn núi. Di tích của những hỏa đài này hiện vẩn còn. Quân Miêu nổi loạn cắt máu ăn thề kháng cự đến chết. Họ còn giết hết vợ con để khỏi phải bận tâm luyến ái. Họ phản công điên cuồng chẹn các đèo vào núi, làm cho cả Bắc-kinh lo lắng.
Dương Quang Sĩ được cử thay Oa-đài ra sức giải tỏa hết các chốt và cắt đường tiếp tế của quân nổi dậy làm cho họ đói khát phải mở đường máu. Hai mươi ngàn quân Miêu bị giết trên chiến trường. Khoảng hai mươi bảy ngàn khác bị bắt và một nửa số bị sát hại sau đó. Tổng số súng dài tịch thu lên đến gần 50 ngàn khẩu. Dương Quang Sĩ còn khủng bố dân lành, cướp phá hơn 20 ngàn làng mạc của người Hmong, tước đoạt đất đai của họ. Dân Miêu lại phải trốn chạy vào các vùng lân cận để thoát thân, một số vượt biên giới vào miền bắc Việt-nam, định cư ở Đông Quan và núi Hoàng Su-Phi. Tuy vậy số người Hmong còn ở lại vẫn chưa chịu hoàn toàn khuất phục, thỉnh thoảng vẫn tìm cách nổi dậy.
Đến năm 1740, đời Ung-chính, nhà Thanh ra lệnh dẹp bỏ hệ thống thổ-ty mà đặt quan trực tiếp cai trị vùng Tứ-xuyên, Quế-châu, Vân-nam, Quảng-tây cốt để đồng hóa họ và khai thác các quặng than, bạc và đồng cũng như lâm sản trong vùng. Nhà Thanh cũng gia tăng thuế má làm cho nhiều nông dân người Miêu điêu đứng, khiến họ nổi dậy không ngừng.
Năm 1796 người Miêu lại tập hợp đủ mạnh dưới sự lãnh đạo của 2 tù trưởng là Thỉ Sanh Báo và Thỉ Liêu Đăng (Shih San-Pao và Shih Liu-teng) ở biên giới Quế-châu, Hồ-nam để khủng bố nông dân người Hoa vốn do Thanh triều di dân đến dưới mỹ danh là “khách trú” và được quân đội bảo vệ. Bắc-kinh phải vội tăng viện để dập tắt cuộc bạo loạn, và chiến dịch kéo dài đến 13 năm mới xong. Quân Thanh tái thiết bức Miêu Thành từ lâu đã bị bỏ hoang và tăng cường thêm quân bố phòng để kiểm soát chặt chẽ những hoạt động của người Hmong và quyết tâm đồng hóa họ. Người Thanh còn bắt trẻ con Miêu phải theo học chữ Hán và Hoa tộc được quyền cưới phụ nữ Miêu.
Nhiều nhóm Miêu không chịu đựng được sự áp bức đành phải trốn sâu hơn vào rừng ở những tỉnh lân cận. Vài nhóm Miêu đen kéo xuống vùng nam của Hồ-nam và bắc của Quảng-tây, Miêu trắng dời về phía bắc vào vùng Tứ-xuyên, và Miêu hoa trốn về phía tây vào vùng Vân-nam.
Lúc bấy giờ ở vùng Vân-nam, vốn xưa là nước Đại Lý đã có giống người Hản (Haw) cư ngụ. Họ là người theo đạo Hồi có liên hệ với người Panthay ở Miến-điện, chuyên về buôn bán thương mãi. Họ thường bị quan lại nhà Thanh khinh miệt và kỳ thị cho nên cũng đã nổi dậy nhiều lần đòi độc lập, như vào các năm 1818, 1826 và 1834 nhưng lần nào cũng bị đàn áp tàn bạo. Nhưng từ năm 1855 cho đến 1873 người Hản vùng dậy và làm chủ được toàn vùng dưới sự lãnh đạo của Trịnh Chiếu (Tu Wen-hsiu) vì nhà Thanh còn bận đương đầu với loạn Thái-bình (Taiping) ở trung thổ. Trịnh Chiếu tuyên bố Vân-nam là một nước Hồi giáo độc lập cho đến khi nhà Thanh rảnh tay quay lại tái chiếm. Người Hmong cùng tham gia với người Hản nổi dậy nên cũng chịu chung số phận bị tàn sát dã man. Người ta ước tính có đến cả triệu người Vân-nam thiệt mạng sau khi quân Thanh trở lại. Thế là người Hản và người Miêu lại kéo nhau tràn vào Miến-điện và Đông dương lánh nạn. Nhóm đến Việt-nam lần này đông khoảng 6 ngàn người kéo vào Đồng Văn ở gần biên giới.
Miêu tộc vào Việt Nam
Trước đấy từ năm 1815 đến 1818 đã có người Miêu chạy thoát đến cư ngụ ở Đồng Văn. Sau đó một nhóm tách ra di dân đến vùng bắc của ngọn núi Fan Si Pan, rồi bỗng dưng vài năm sau không ai tìm thấy dấu vết của họ đâu nữa, làng mạc bị bỏ hoang.
Câu chuyện thật ra rất ly kỳ có liên quan đến một tay buôn nha phiến người Tầu tên là Tôn Mã. Nhân một chuyến ghé qua Fan Si Pan để thu mua thuốc phiện, y kể cho dân làng nghe về một vùng đất hoang mầu mỡ ở dãy núi Xieng Khoảng phía đông nước Lào. Thực ra thì y chỉ muốn thủ lợi riêng bởi vì người Miêu lúc bấy giờ chuyên trồng cây nha phiến để bán lại. Trong chuyến buôn kế tiếp y hướng dẫn một nhóm người Miêu tiên phong được “tiểu vương” (kiatong) Lo See Pa giao cho Kue-Vue cầm đầu, tìm đến vùng gần Nong Het. Khu đất rừng thật là phì nhiêu, thế là trong vòng vài năm, họ di dân đến đấy và thiết lập làng mạc xung quanh Nong Het và để tri ân kẻ chỉ đường, họ đặt tên con sông chảy qua là Tôn Mã.
Họ sống yên ổn ở vùng đất mới được vài năm thì Lo See Pa bị bọn cướp người Hoa giết chết trong một trận tấn công vào làng không thành cốt để đoạt nha phiến. Kẻ kế vị là Lo Sue Xia vẫn thuộc giòng họ Lo. Truyền thống này vẫn được duy trì vài thập niên mãi đến khoảng 1850 có vài sự kiện gây xáo trộn: Nhóm họ Lý và nhóm họ Moua xuất hiện.
Nhóm người Miêu họ Lý, lãnh đạo bởi Lý Nghia Vue vốn ở nước Đại Lý xưa kia bị quân Thanh truy kích trong vụ nổi dậy cùng với người Hán, kéo nhau đến Nong Het lánh nạn cùng với nhóm họ Moua cầm đầu bởi Moua Kai Chong. Dĩ nhiên là họ không chịu thần phục giòng họ Lo, và vẫn giữ nguyên tiểu vương của họ. Tuy vậy Lo Sue Xia vẫn được tôn kính hơn cả.
Cùng đợt tị nạn từ khi vùng Vân-nam bị thất thủ vào năm 1860 và loạn Thái-bình bị đập tan vào năm 1863, một khối lượng đông đảo người từ Trung-quốc tràn xuống Việt-nam, trong đó có cả Miêu tộc. Bọn họ là đám tàn quân nên còn mang theo vũ khí, đi cướp phá mạn thượng du Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bá, miền bắc nước ta dưới triều Tự Đức, nên sử ghi là giặc khách. Mạn Tuyên-Quang có Nông hùng Thạc, mạn Cao bằng có Ngô Côn và Lý hợp Thắng chiếm tỉnh lỵ năm 1865. Về sau có dư đảng là bọn Hoàng sùng Anh, hiệu cờ vàng và Lưu vĩnh Phúc, hiệu cờ đen, Bàn văn Nhị, hiệu cờ trắng cùng với giặc biển tên Phụng liên tục quấy phá khắp nơi ở miền Bắc .
Lúc bấy giờ tình hình nước ta thật điêu đứng với giặc ngoại xâm, trong nam thì đã bị quân Pháp chiếm, mà chúng còn đang hăm he đặt nền bảo hộ và đánh Bắc kỳ. Ngoài bắc thì đám giặc khách uy hiếp làm quan quân ta chống đỡ không nổi. Riêng giặc ở thượng du đã có lúc tràn xuống tận Yên Bái vùng đồng bằng sông Hồng. Vua Tự Đức phong cho Nguyễn Tri Phương làm Tây-bắc tổng-thống quân-vụ đại-thần đốc thúc việc tảo trừ, năm 1863 quân ta tái chiếm thành Tuyên-Quang. Miêu tộc rút lui về Quảng Bá.
Tại núi Phước ở Quảng Bá lại xuất hiện một thủ lãnh người Miêu tên là Xiong, với tài nhào lộn và phi thân rất giỏi, tự xưng là tân vương của Miêu tộc. Các sắc dân thiểu số khác trong vùng như Mán và Nùng cũng thần phục y, gây một thế lực rất lớn. Chỉ trừ giống Thổ là chống đối. Y xây lâu đài, dựng triều đình, lập quân đội, làm vũ khí với súng hỏa mai. Xiong liền đem quân tấn công tàn phá Làng Dận và vùng cư dân lớn hơn khác của người Thổ gần Quảng Bá. Chiến thắng này làm tăng thêm uy danh của Xiong. Trong vòng 12 năm sau, y giao việc hành quân cướp phá các vùng lân cận cho thuộc hạ, còn y thì chỉ vui hưởng tại cung điện mà thôi.
Sau khi Xiong chết vì ám sát thì vương quốc của y cũng tan rã, kẻ kế vị là Cha Shue, một tù trưởng ở dãy núi Hoàng Su Phi. Vùng y tự trị nằm vắt qua hai biên giới Việt-Hoa, và vào năm 1894 y còn được Thanh triều phong cho chức thổ-ty. Người Pháp lúc bấy giờ đã chiếm Việt-nam làm thuộc địa cũng để yên cho Cha Shue, vì họ cần người Miêu cung cấp gỗ độc quyền cho họ. Về sau Cha Shue còn gây thế lực bằng cánh đánh thuế trên số gỗ bán cho người Pháp. Uy tín của Cha Shue còn được truyền tụng ở Nong Het.
Người Hmong ở Lào và thuốc phiện
Sau khi định cư ở Lào, người Hmong lại phải ác chiến với người Khạ ở vùng Xiêng Khoảng vào nửa cuối thế kỷ thứ 19. Người Khạ hay còn gọi là người Kh’mu vốn là cư dân lâu đời tại Lào, có thể từ thế kỷ thứ 5; ban đầu họ là phiên bang của nước Phù-nam (Funan), sau lại lệ thuộc vương quốc Chân-lạp (Chenla), và rồi Khmer.
Vào thế kỷ 13 và 14, khi nước Nam-chiếu bị người Mông-cổ diệt, bộ tộc Lào và Tày di dân qua đất hạ Lào trở nên đa số và thiết lập vương quốc độc lập Luang Prabang. Từ đó người Khạ bị người Lào khinh miệt và bị bạc đãi tàn tệ, phải sống ở vùng thượng du.
Khi người Hmong định cư ở Xieng Khoảng, người Khạ bắt họ phải cống nạp nông sản và súc vật. Nhưng đến khi biết người Hmong còn sống sung túc bằng nghề trồng trọt nha phiến người Khạ lại đòi hỏi thêm thuốc phiện. Điều này đã đưa đến chiến tranh và người Khạ bị thua trận phải kéo chạy về vùng núi gần Luang Prabang.
Thị trường nha phiến trên thế giới khởi phát từ Á-châu bởi đế quốc Anh và Pháp vào đầu thế kỷ 19 đã giúp cho người Hmong đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất chất thô. Bọn đế quốc lại dùng số lợi nhuận khổng lồ để tái tài trợ cho những âm mưu bành trướng thế lực và cai trị thuộc địa. Cuối thế kỷ 19 khi quốc hội Anh thông qua đạo luật ngăn cấm chính phủ tham gia thì Pháp độc quyền thị trường ma túy. Chính vì nguồn lợi này mà Pháp đã thôn tính luôn cả Cam Bốt và Lào để có đường thông thương với thượng du Vân-nam. Ngay cả sau khi Pháp bị đánh bật ra khỏi Đông Dương vào 1954, ảnh hưởng của họ trên thị trường ma túy vẫn không giảm, và chính tập đoàn buôn lậu đã mua chuộc và làm thối nát chính quyền miền Nam để bọn họ dễ dàng làm ăn, và chắc chắn là bọn họ cũng lũng đoạn chế độ hiện nay tại Việt-nam. Cuối năm 1960, người ta ước tính là nông dân người Hmong ở Lào đã cung cấp khoảng 70% nhu liệu cho thị trường ma túy của thế giới.
Khi người Pháp đô hộ Lào từ năm 1893, họ dùng người Lào và Tày cai trị dân miền núi cho nên đã xảy ra khá nhiều chuyện bóc lột hà hiếp dân Miêu với thuế khóa nặng nề trên nông sản nha phiến. Năm 1896 người Pháp lại tăng thuế và đòi trả một phần bằng thuốc phiện, làm cho Miêu tộc nổi loạn, họ gọi người Pháp là Fa-ki theo âm của người Tầu là Pháp quỉ (Fa kouie). Lần đầu họ thành công khi tấn công đồn lính tây ở Ban Khang Phanieng, nhưng lại đại bại ở lần thứ hai khi đánh vào tiểu khu Xieng Khoảng. Vì vậy tiểu vương họ Lo bị truất phế và được thay vào bởi họ Moua, tên Tong Ger. Tân tiểu vương liền xin hòa đàm với nhà cầm quyền thuộc địa tại Bản Ban để được giảm bớt thuế, và sự giao thiệp giữa Pháp và người Hmong bớt căng thẳng.
Quân Cờ Đen và Miêu tộc
Năm 1870, dư đảng của giặc Thái-bình ở Trung-quốc sau khi tràn vào Việt-nam, chia làm hai phe Cờ vàng ở Tuyên-quang và Cờ đen ở Lào-kay chống chọi nhau ở mạn thượng du. Đến năm 1875 giặc cờ vàng bị dẹp tan. Còn Lưu hữu Phúc đầu đảng Cờ đen xin thần phục triều đình nhà Nguyễn rất sớm. Vua Tự-Đức phong cho Phúc làm đề đốc, và khi quân Pháp dưới quyền của Đại úy Hải quân Francis Garnier đánh thành Hà-nội, Garnier đã bị quân của Lưu hữu Phúc phục binh giết chết tại Cầu Giấy năm 1873.
Âm mưu của Pháp muốn chiếm Bắc-kỳ vẫn không phai, nên đầu năm 1882 Đại-tá Hải-quân Henri Riviere được lệnh đem tàu chiến ra đánh chiếm thành Hà-nội lần thứ hai, thừa thắng hạ luôn thành Nam-định vào tháng ba, năm 1883. Nhưng đến khoảng cuối tháng 5 thì Riviere lại bị quân cờ đen phục ở Cầu Giấy giết chết. Quân cờ đen còn bêu đầu của Riviere từ làng này qua làng khác.
Nhiều cánh quân cờ đen khác thường đem quân sang Lào, đánh cướp nha phiến của người Hmong để mua lương thực và vũ khí, và bắt đi đàn bà con gái cho nên Miêu tộc phải nhờ người Pháp bảo vệ. Tháng 11, 1914 quân cờ đen tấn công đồn lính tây ở Sầm Nứa. Sau đấy tiến đánh Phong Saly và đã đụng độ đến mấy tháng với lực lượng Hmong và Pháp, trước khi bị bại phải tháo chạy trở về Trung-quốc.
Một thủ lãnh Miêu ở Hà Giang, Việt-nam tên Yang Yilong được tin bèn xin nhà cầm quyền địa phương Pháp trang bị vũ khí để mở những trận du kích đuổi quân cờ đen. Từ đó mở đầu cuộc hợp tác quân sự giữa người Miêu và Pháp, và kéo dài cho mãi về sau. Để trả thù quân cờ đen đốt phá các buôn làng của người Miêu mà họ đi qua.
Cuộc hợp tác giữa người Miêu và Pháp cũng chẳng mấy êm trôi khi chính quyền thuộc địa lại tăng thuế vào năm 1914, gánh nặng bất công đè trĩu trên vai người Hmong. Đã vậy thực dân Pháp lại quyết định mở những trục lộ giao thông giữa Việt-nam và Lào chạy qua Xiêng Khoảng và Phong Saly, và bắt dân Hmong đi làm phu, làm cho việc mùa màng bị đình trệ càng thiếu tiền đóng thuế. Nhiều làng kéo nhau trốn vào rừng sâu.
Năm 1917, phụ tá của kiatong Moua Tong già nua là Lo Bliayao lại tham nhũng bóc lột phu phen người Miêu đã đưa đến sự nổi dậy. Bliayao lại cậy vào quân địa phương của Pháp để đàn áp.
Lãnh tụ Chay Pa
Trong khi đó ở buôn làng người Miêu trong vùng Điện-biên-phủ xuất hiện một thủ lãnh tên là Chay Pa, gốc gác từ Vân-nam, biết nói và viết ba thứ tiếng Hoa, Lào và Việt, rành ma thuật, cầm đầu người Miêu chống lại ngươi Tày vốn đàn áp họ, và xúi dục người Miêu không đóng thuế. Quân Pháp được gởi từ Sơn La đến để truy lùng Chay Pa, nhưng thường bị tập kích. Nhưng đến năm 1919, Chay Pa yếu thế phải rút quân sang Xieng Khoảng và hô hào người Hmong đứng lên chống Pháp để lập một vương quốc độc lập với kinh đô là Điện-biên-phủ. Chay Pa được sự hưởng ứng của người Miêu ở Xieng Khoảng nổi lên đánh phá các căn cứ của lính thuộc địa. Họ còn ám sát hụt tên Lo Bliayao làm tên này càng hợp tác với Pháp chặt chẻ hơn. Nhà cầm quyền thực dân Pháp tăng phái quân chính qui từ Việt-nam sang, và áp dụng kế sách ấp chiến lược cô lập quân nổi dậy. Chiến lược này lần hồi thành công và khiến loạn quân tan rã, nhưng quân Pháp vẫn treo giải cho đầu của Chay Pa. Y rút vào rừng sâu sống với vài bộ hạ thân tín nhưng lại bị theo dõi và bị ám sát vào tháng 11, năm 1922.
Sau vụ nổi dậy bất thành của Trịnh Chiếu ở Vân-nam, Tứ-xuyên, người Hản và Miêu trốn chạy sang Lào. Trong số đó có một người họ Lý đến được Nong Het năm 1865. Y lập gia đình và có 3 con; trong số có cậu Foung rất thông minh. Foung lấy con gái của Lo Bliayao tên May. Hai người có 2 đứa con, trai tên là Touby và gái tên Mousong. Foung lấy thêm vợ bé, và May buồn rầu tự vận. Điều này làm cho quan hệ giữa hai họ Lo và Lý trở nên căng thẳng. Các thổ hào liền phải nhờ quan Pháp can thiệp, và để tránh rắc rối nhà cầm quyền liền chia cho họ Lý cai quản Miêu tộc vùng Keng Khoai và họ Lo xem vùng Phac Boun. Năm 1935 Lo Bliayao qua đời, con là Tou Song thay thế chức kiatong. 
Cùng năm này người Hmong lần đầu theo học trường tiểu học của Pháp mở tại Xieng Khoảng. Các danh gia họ Lo, Lý và Moua đều cho con đi học để hy vọng tranh dành ngôi thứ chính trị về sau. Theo thời gian, Touby Lý đỗ xong trung học và theo học trường Hành chánh mở tại Vientiane.
Lo Tou Song ít học lại ham mê cờ bạc nên thâm lạm công quĩ rất phật lòng quan cai trị người Pháp. Nhưng Lý Foung lại khôn khéo đem tiền của mình đền bù giùm nên được lòng tin của quan bảo hộ. Từ đấy mà chẳng mấy chốc vai trò chính trị xán lạn của đứa con trai Lý Touby đã được dọn sẳn. Đến khi người Pháp sa thải Tou Song khỏi chức kiatong ở Phac Boun, Touby liền được thay thế. Nhưng người em của Tou Song là Faydang rất lấy làm bất bình sinh oán hận Touby, khiếu nại đến hoàng thân Phetsarath ở Vientiane nhưng vẫn bị người Pháp lấn át.
Sau khi ra trường Hành chánh, với chỗ đứng vững chãi trong guồng máy chính trị, uy thế của Touby càng gia tăng. Y đã dùng sản lượng nha phiến do người Hmong trồng trọt để làm áp lực với người Pháp, vì Pháp đang muốn chiếm độc quyền thị trường thế giới lúc bấy giờ. Y còn thuyết phục người Pháp nâng cao vai trò của người Hmong trong xã hội Lào.
Đến năm 1949 Trung-quốc hoàn toàn do đảng Cộng sản thống trị, làm cho nguồn cung cấp nha phiến ở Vân-nam và biên giới Miến điện vốn nằm dưới sự cai quản của tàn dư quân đội Quốc dân đảng bị cắt đứt. Nguồn cung cấp từ Iran và A-phú-hản lại quá đắt, cho nên Pháp tận dụng nguồn nha phiến của người Hmong để chiếm lĩnh thị trường. Năm 1953 Liên hiệp quốc ký công hàm chấm dứt việc các chính phủ tham gia buôn bán nha phiến, dẫn đến thị trường chợ đen. Sản lượng càng gia tăng và lợi nhuận càng cần thiết cho việc tài trợ việc tái chiếm Đông dương vì chiến tranh leo thang.
Hợp tác với Pháp chống Nhật
Khi nước Pháp bị Đức Quốc Xã cai trị vào năm 1940, quân Nhật liền chiếm đóng Đông Dương. Toàn quyền Decoux được Nhật để yên tiếp tục phụ trách hành chánh, đã ra lệnh quân Pháp không kháng cự. Nhưng đến tháng 8 năm 1944, khi Paris được giải phóng thì cuộc diện liền thay đổi. De Gaule vội tiến hành kế hoạch phản công ở Đông Dương. Tháng 11, quân biệt động Pháp được thả dù xuống Cánh đồng Chum để lập khu kháng chiến. Không quân Mỹ lại dội bom các hải cảng ở Việt-nam.
Tháng 3, 1945 Nhật liền đảo chánh và ra lệnh tước khí giới của quân Pháp ở Đông Dương. Tuy vậy Pháp vẫn âm thầm tăng phái quân nhảy dù từ Ấn-độ vào thượng Lào với sự bao che của người Hmong. Khi Nhật biết có sự dính líu của người Hmong vào kế hoạch bí mật cuả Pháp, họ liền bắt Lý Touby và định đem xử bắn, nhưng nhờ giám mục Mazoyer ở Vientiane can thiệp nên được tha. Chẳng sờn lòng, Touby liền liên lạc với Đại úy Bichelot, chỉ huy quân biệt động Pháp để hợp tác chống Nhật.
Việc này làm cho quân Nhật điên cuồng, họ liên tục tàn phá các bản làng người Miêu nghi ngờ hợp tác với Pháp, và vô tình làm cho Miêu tộc càng ủng hộ Touby thêm nữa. Nhưng không phải người Miêu nào cũng ủng hộ người Pháp, trái lại nhóm Miêu theo Faydang lại hợp tác với người Nhật truy diệt lính Pháp.
Tháng 3, 1945 người Nhật bắt giam tất cả viên chức chính quyền thực dân Pháp ở Lào, khuyến cáo vua Vong Sisavang tuyên bố Lào độc lập. Hoàng thân Phetsarath xây dựng đảng Lao Isalla (hay Lào tự do), và đứng ra thành lập tân chánh phủ vào tháng 10. Nhưng đội biệt động Pháp ra tay tấn công Luang Prabang, chiếm hoàng cung và ép vua Lào tuyên bố hủy bỏ độc lập và tước hết quyền của Phetsarath. Đảng Lao Isalla cầu cứu với Việt minh, cùng với nhóm Hmong của Faydang để chống Pháp, thế là bộ đội Việt minh được chính thức mời vào lãnh thổ Lào cùng với một khối cư dân Việt. Việt minh lại còn tuyên bố Xieng Khoảng là một căn cứ của Việt-nam. Tháng 11, lực lượng biệt động Pháp phối hợp với dân quân Hmong của Touby đánh bật Việt minh ra khỏi Xieng Khoảng. Pháp kết án Faydang là cộng sản, và đến mùa hè năm 1950 Faydang gia nhập đảng Pathet Lào (Cộng đảng Lào).
Lúc bấy giờ Hoa Kỳ, là đồng minh với Liên Xô chống phe trục, lại âm thàm liên lạc và trang bị vũ khí cho du kích quân Việt minh để quấy phá quân Nhật ở Đông dương làm cho thế lực của Việt minh gia tăng thêm. Đến khi Nhật đầu hàng đồng minh vào tháng 8, 1945, Hồ-chí-Minh cướp thời cơ dành lấy chính quyền ở Hà-nội, thành lập chánh phủ liên hiệp và tuyên bố Việt-nam độc lập. Khi bị tước khí giới, quân Nhật lại không chịu giao lại cho Pháp mà lại giao cho Việt minh.
Pháp không chịu công nhận Việt-nam độc lập, nhưng lại mời Hồ chí Minh sang Pháp để thương thảo điều kiện để Pháp ở lại Đông dương, và dời chuyện trao trả độc lập đến 1947 sau khi trưng cầu ý dân. Đồng thời Pháp lại hổ trợ cho một nội các chống Việt minh được dựng lên ở Sàigòn, và còn có ý định lập một nước Nam Kỳ độc lập. Nhưng cuộc sống hòa bình gượng gạo với Việt minh không kéo dài được lâu. Tháng 11, 1946 một cuộc đụng độ võ trang Việt Pháp ở Hải Phòng dẫn đến cuộc chiến tranh toàn Đông dương.
Năm 1946, Pháp thuận cho Lào được độc lập trong Liên Hiệp Pháp và mở cuộc bầu cử dân biểu quốc hội. Một người trong gia đình Touby đắc cử vùng Xiang Khoảng, đó là Lý Foung Toulia. Họ tranh đấu để được đối xử bình đẳng như công dân Lào, và có đại diện trong hội đồng tỉnh. Và để tranh thủ mối lợi nha phiến Pháp đề cử Touby làm phó tỉnh trưởng Xieng Khoảng, từ đó y gia tăng ảnh hưởng của người Hmong trong chính quyền Lào.
Việt minh cũng chú ý đến nguồn lợi nha phiến để mua vũ khí ở biên giới Tầu. Sản lượng thuốc phiện của một tỉnh có thể trang bị vũ khí cho một sư đoàn. Người ta ước tính là chỉ riêng năm 1947, trị giá của mùa thu hoạch nha phiến lên đến 400 triệu đồng bạc Đông dương, gần bằng với trị giá tổng số gạo xuất cảng của toàn Đông dương cùng năm. Vì thế Pháp đã bằng mọi giá phải kiểm soát được nguồn tài nguyên này, năm 1948, một nghị định của Cao ủy Đông dương cho phép người Hmong hầu như độc quyền trồng nha phiến ở Lào.
Cùng năm, Touby được đưa về Sàigòn để Phủ cao ủy giao công tác thành lập một lực lượng biệt động địa phương chống Việt minh. Từ năm 1951 cho đến 1954, tư lệnh tối cao quân viễn chinh Pháp cho thi hành “chiến dịch X” để tài trợ trang bị các lực lượng người thiểu số. Phi cơ quân sự được lệnh chở thuốc phiện cuả người Hmong từ vùng đông bắc Lào về Sàigòn, giao cho Lê văn Viễn, tức Bảy Viễn, bấy giờ là Giám đốc Cảnh sát phân phối. Qua một thời gian ngắn đó, Touby đã nhận được khoảng 4 triệu đô-la cho lực lượng người Hmong.
Cuối năm 1950, quân Pháp không còn kiểm soát nổi vùng biên giới Việt-Hoa sau những trận đánh đẫm máu với Việt-minh. Việt-minh quyết làm chủ mạn bắc là cốt mở rộng đường bộ để dễ dàng tiếp nhận viện trợ vũ khí từ cộng sản Hoa lục, mà trước đây chỉ nhờ dân công chuyển qua đường rừng núi.
Việt-minh mở những trận phản công lại trùng với chiến cuộc Cao-ly, nên trước những đe dọa phối hợp của Cộng sản quốc tế, tổng thống Hoa Kỳ Truman ra lệnh viện trợ quân sự cho Pháp ở Đông dương trong vòng 4 năm lên đến 3 tỷ đô-la để tiếp tục ngăn chận Việt cộng.
Đầu năm 1950, đại tá Grall được Pháp bổ nhiệm chỉ huy một bộ phận hoạt động bí mật mang tên là GCMA (Groupement de Commandos Mixtes Aeroportes: Đội Biệt Động Dù) có 20 sĩ quan chuyên tuyển mộ, huấn luyện và trang bị cho nhiều toán du kích người sắc tộc thiểu số Đông dương, đặc biệt ở 4 khu: Bắc, Nam, Cao nguyên trung phần Việt nam và Lào. Đại tá Roger Trinquier phụ trách khu Lào. GCMA lại được điều khiển bởi Cơ quan Tình báo và Phản gián của Pháp ở Hải ngoại; tiền tài trợ dĩ nhiên là qua kinh tài ma túy. (CIA về sau cũng áp dụng y như vậy!). Toán du kích tân tuyển được đưa về Cap St. Jacques (Vũng Tàu) để huấn luyện. Touby cũng đã được huấn luyện tại đây để về lãnh đạo hệ thống du kích Hmong ở Phong Saly, Xieng Khoảng và Sầm Nứa.
Trinquiner quyết gấp rút thành lập một lực lượng du kích ở tây bắc Lào để gây rối an toàn khu của Việt-minh tại Sip Song Chau Thai, phía tây Hắc giang và gần biên giới Việt-Lào. Y chọn Lo Quang Chao, tù trưởng Hmong ở Lào Kay sức vóc hơn người, mang bí danh là Sô-cô-la. Đến tháng 4 năm 1952, GCMA ở Hà nội đã thả dù cho Lo 2,500 cây súng trường để đám này kiểm soát vùng Lào Kay và núi Hoàng Su Phi. Trinquiner hài lòng với những chiến công của Lo, đến nỗi y đồng hóa cấp Trung úy quân viễn chinh Pháp cho Lo, và truy tặng Anh dũng bội tinh bằng cách thả dù huy chương xuống căn cứ cho Lo Quang Chao. Lo tung hoành ở vùng biên giới Việt-Hoa một thời gian nhưng rốt cuộc bị giết chết vào tháng 8 năm 1953, và nhóm du lích của y tan rã
Tháng 4 năm 1953, Việt minh và Pathet Lào phối hợp chia thành hai gọng kìm tấn công Sầm Nứa và Luang Prabang, Faydang có mặt ở tuyến đầu. Pháp vội xây dựng phi trường dã chiến tại Cánh đồng Chum để tăng phái quân cơ động. Nhờ sự đưa tin hiệu quả của nhóm Hmong thuộc cánh Touby, và nay có thêm một phụ tá trẻ Vang Pao. Pháp đã đẩy lui được các cuộc tấn công của địch tại Lào, và Việt minh rút quân về lại Việt nam để tập trung vào chiến dịch Điện biên phủ.
Vang Pao và Ảnh hưởng của Chú Sam
Pháp bị đại bại tại Điện biên phủ vào tháng 5 năm 1954, đưa đến hiệp định Geneva. Pháp rút lui dần khỏi địa bàn Đông dương. Việt nam bị chia cắt thành 2 miền theo vĩ tuyến 17. Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower cương quyết chận đứng sự lan tràn cộng sản ở Đông Nam Á nên gia tăng viện trợ mọi mặt và gởi cố vấn sang các nước Thái lan, Nam Việt và Lào. Hoạt động của CIA cũng gia tăng không ngừng trong vùng để khuynh đảo các chính quyền địa phương, và đã đi vào con đường mà GCMA đã vẽ ra.
Quân Bắc Việt chỉ rút về một số, nhưng phần lớn ở lại Lào để gây dựng quân đội Lào cộng (Neo Lao Hak Sat ), đưa đến việc tranh dành quyền lực với Hoàng gia Lào. Năm 1957, Lào cộng được tham gia vào chính phủ liên hiệp Lào. Chính phủ này chỉ kéo dài được 8 tháng khi phe hữu làm đảo chánh và bắt giam đại biểu của Pathet Lào. Quân độ Bắc Việt liền chiếm hết những tỉnh của Lào chạy dọc theo đường mòn Hồ-chí-Minh, và yểm trợ cho quân Lào cộng trong cuộc nội chiến. Hoa Kỳ hậu thuẩn phe Hoàng gia.
Cuối năm 1960, đại úy Kong Le của Quân đội hoàng gia, tự cho mình là trung lập, làm đảo chánh với kỳ vọng chấm dứt được cuộc nội chiến, đã ra lệnh cho các lực lượng ngoại quốc phải rút ra khỏi lãnh thổ Lào. Chỉ vài tháng sau, cánh hữu được CIA ủng hộ lật đổ Kong Le, làm cho phe trung lập phải liên kết với Pathet Lào, lại đưa Lào vào chiến tranh.
Dù phe hữu nắm quyền ở Vientiane, nhưng luôn thất bại ở chiến trường, nên đến tháng 7 năm 1962, một chính phủ liên hiệp khác được thành lập gồm 3 thành phần do hoàng thân Souvana Phouma lãnh đạo. Phe cộng không chịu đựng được sự khuynh đảo trắng trợn của Hoa Kỳ vào chính trường Lào, bất lợi cho họ nên đã rút vào rừng tiến hành vũ trang với sự tiếp tay của quân Bắc Việt. Cuộc chiến giằng co mãi làm Hoa kỳ sốt ruột, quyết định dội bom ồ ạt phe cộng trên Cánh đồng Chum từ 1968 cho đến 1972, nhưng chẳng làm nghiêng được cán cân.
Đến cuối năm 1972, Mỹ quyết định rút khỏi Lào và cả Đông dương. Thủ tướng Souvana Phouma vội thương thảo với Pathet Lào để thành lập chính phủ liên hiệp trong thế yếu vào ngày 21 tháng 2 năm 1973. Phe Pathet Lào tìm mọi cách chiếm ưu thế nên chiến tranh lại bộc phát từ 1974 cho đến 1975. Tháng 3 năm 1975 Pathet Lào và quân Bắc Việt mở các cuộc tấn công cuối vào các cứ điểm của quân Hoàng gia, dẫn đến chiến thắng hoàn toàn của phe cộng vào tháng 8. Tháng 12, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập do Souvanouvong làm chủ tịch, và bải bõ chế độ quân chủ ở Lào.
Trong cuộc chiến ở Lào, phe có tử vong cao nhất lại là người Hmong, có lẽ đến 1/3 dân số Miêu tộc, và 1/2 số trai tráng trên 15 tuổi đã bị hy sinh. Số phận của họ đều nằm trong tay một người phụ tá của Ly Foung Touby vốn là một cậu bé chạy giấy cho lính biệt động Tây, rồi lên chức đội cò và theo thời gian với chiến cuộc gia tăng đã leo lên đến cấp tướng trong quân đội hoàng gia Lào, đó là Vang Pao.
Suy Ngẫm
Đọc lịch sử nổi trôi của một bộ tộc suốt mấy ngàn năm, đã từng một thời chen vai thích cánh với các sắc dân khác ở Trung quốc. Nhưng đã không may thất thổ rồi mai một trước tham vọng bành trướng của Hoa tộc mà trở nên một sắc tộc miền núi, sống đậu vào các nước khác ở Đông Nam Á. Luật đào thải tự nhiên luôn luôn là nguyên lý. Mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, nước lớn luôn tìm cách thôn tính nước bé. Một khi sức tự cường của một dân tộc không còn thì sự tồn vong chắc là chóng mai một.
Tìm hiểu lịch sử để chúng ta phải thấm sâu ơn nghĩa đối với tổ tiên Hồng Lạc, qua bao đời đã không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù của dân tộc gần và xa. Bọn xâm lăng này, ngày nay tinh vi hơn ngụy trang dưới nhiều lớp áo vẫn không ngừng chực chờ cơ hội để xâu xé và ngay cả âm mưu xóa tên Việt Nam khỏi bản đồ thế giới. Cha ông ta, qua bao đời đã kiên cường liên tục đánh đuổi lũ xâm lược to lớn gấp trăm lần để cho con cháu vui hưởng độc lập. Hậu duệ có quên được điều đó chăng?
Trần Trúc-Lâm
Tháng Giêng, 1999 
Mùa Giổ Tổ Hùng Vương
Tài liệu tham khảo
1. Cultural Atlas of China, Caroline Blunden, Mark Elvin – Facts on File, Inc. N.Y. 1983. 
2. A Short History of the Chinese, Mary A. Nourse – 3rd Edition, The New York Library, 
N.Y. 1943. 
3. Trung Hoa Sử Cương, Đào Duy Anh – Xuất Bản Bốn Phương, 1942. 
4. Hmong – History of a People, Keith Quincy, EWU Press, 2nd Edition, 1995. 
5. Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim – CSXB Đại Nam tái bản 1971. 
6. Microsoft Encarta 97 Encyclopedia CD, Microsoft Corporation.

Nguồn bài đăng: e-cadao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét