Bút Tre (1911–1987), tên thật Đặng Văn Đăng là một nhà thơ theo trường phái dân gian của Việt Nam thời hiện đại. Với phong cách thơ độc đáo, sáng tạo và giàu sức lan tỏa, từ bút danh của một nhà thơ, Bút Tre đã trở thành một trường phái sáng tạo thơ dân gian vui vẻ rất thịnh hành ở Việt Nam cho đến tận ngày nay.
Nhà thơ Bút Tre
Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng, còn gọi là Đặng Văn Quang, quê xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông sinh năm 1911, mất năm 1987. Ông lấy bút danh là Bút Tre. Ông đỗ tú tài triết học dưới thời Pháp thuộc, viết báo dưới thời đó với bút danh Lục Y Lang.
Ông từng làm công tác ngoại giao với chức danh bí thư thứ hai sứ quán Việt Nam tại Rumani. Sau đó ông về làm Trưởng ty (bây giờ gọi là Giám đốc sở) Văn hoá Phú Thọ. Người ta nhớ Bút Tre, không phải vì những bài thơ trữ tình, cũng không vì thơ ông gần với những bài ca dao, mà vì cách làm thơ, gieo vần của ông thật bất ngờ, thường mang đến cho những người nghe sự sảng khoái sau những giờ lao động mệt nhọc căng thẳng. Câu lục bát nổi tiếng nhất mà có rất nhiều người thuộc khi nhắc đến ông là câu nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về...
Thơ của ông rất trào phúng:
Làng ta có cái núi voi
Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi
Voi cũng hăng say đua sản xuất
Đầu thì trồng sắn đít trồng khoai.
từ đó thơ Bút Tre dân gian sáng tác thêm theo lối Hoan hô:
"Hoan hô đồng chí Hà Đăng
Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa..."
Nhiều người không gọi thơ Bút Tre là thơ. Chỉ gọi là vè. Nhưng dẫu sao, lối thơ (hay vè) của Bút Tre đã cùng tồn tại với rộng rãi người dân Việt Nam suốt nửa cuối thế kỷ 20 và có thể sẽ còn lâu hơn nữa trong cách sống lạc quan mang lại niềm vui ngày thường cho nhiều người Việt Nam. Một trong những câu sau cùng Bút Tre nhắn lại cho hậu thế là:
Mai sau kẻ đoái, người hoài, mặc
Hạnh phúc hôm nay mát dạ người.
Thơ kiểu Bút Tre trong dân gian
Người Việt thích cách nói có vần điệu, các câu tục ngữ, các lời hát đốitừ xưa đã thế. Từ một số bài của Bút Tre, người ta cười, rồi bắt chước thành một phong trào quần chúng và gán cho Bút Tre nhiều câu theo lối của Bút Tre mà một số nhà nghiên cứu gọi là lối thơ Bút tre như:
Anh đi công tác Pơ - lây -
cu dài dằng dặc biết ngày nào ra?
Còn em em vẫn ở nhà
Cửa (nhà) mình em mở người ra kẻ vào.
Và nhiều đoạn thơ mang trường phái Bút Tre:
Liên Xô rất đỗi tự hào
Anh Ga ga rỉn bay vào vũ tru (vũ trụ).
Hoan hô đồng chí Phạm Tuân
Bay vào vũ trụ một tuần về ngay
Thơ Bút Tre là gì?
Thơ Bút Tre là một thể thơ dân gian bắt nguồn từ ngôn ngữ khoáng đạt chốn làng quê Việt Nam; Điều khác biệt ở thể Thơ Bút Tre, là người sáng tác không phải là một tác giả cụ thể, mà là dân gian nhiều người sáng tác rồi truyền khẩu. Thơ Bút Tre là một hướng phát triển mới - Rút lấy cái cốt lõi của văn chương bác học mà trả về với hơi thở dân gian tự nhiên, chân chất mà sảng khoái. Bút Tre - Đặng Văn Đăng - người tiên phong cho một hướng đi ngược lại với văn chương hàn lâm, bác học trả lại cho văn hóa dân gian cái chân chất vốn có của ngàn năm thôn quê, mộc mạc mà dễ nhớ.
Sức lan tỏa của Thơ Bút Tre
Năm năm dân dã lắng nghe
Thơ Bút Tre đã thâm nhập vào cuộc sống, vào mọi lứa tuổi, vào mọi tầng lớp, ngày càng đậm đà, sôi động và lắm màu lắm vẻ từ nội địa tới hải ngoại.
Từ một Bút Tre – Đặng Văn Đăng đã sinh thành những Bút Tre xanh... ào ạt ra đời và mặc nhiên đã và đang hình thành một "Trường phái Bút Tre".
Thơ Bút Tre rầm rộ phát triển, đó là món ăn khoái khẩu trên bàn trà, mâm rượu, trên hội diễn văn nghệ và cả những hội nghị nghiêm túc. Có những tác giả đã sáng tác nhiều bài phát triển Thơ Bút Tre in thành tập.
Thơ Bút Tre vẫn tiếp tục được sáng tác và yêu thích. Rất nhanh, những tác phẩm xuất sắc trở thành tài sản chung, hòa vào và làm phong phú trường phái Bút Tre. Nghĩa là cha đẻ của những bài thơ Bút Tre không chỉ có Bút Tre. Thực chất Bút Tre - Đặng Văn Đăng chỉ là cha đẻ duy nhất của trường phái thơ Bút Tre. Bút Tre dân gian không thể được xem như sáng tác của những tác giả có tên cụ thể; sáng tác của dân gian mà đọng lại được là đã có sự sàng lọc ghê gớm của thời gian và về chất không kém gì, thậm chí còn hay hơn cả một số sáng tác của tác giả tên tuổi, và ngay chính cả Đặng Văn Đăng ngày còn sống khi đọc Thơ Bút Tre dân gian, cũng đã cười đến chảy nước mắt, rơi cả hàm răng giả - "Thật bái lạy dân gian"
Theo Đỗ Hữu Lực (Bài Vè sĩ, Báo Tuổi trẻ): "Phong trào thơ ứng khẩu kiểu Bút Tre khi ấy ở Phú Thọ bùng lên, người ta đọc thơ kiểu Bút Tre bất cứ đâu. Thực chất không phải Bút Tre sáng tác, nhưng dân gian bắt đầu nhiễm cách nói của ông".
Thi pháp của thơ Bút tre
Thi pháp gọi theo cách dân gian là lối (lối thơ)
Lối vắt dòng gãy câu:
Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về
Lối viết tắt (lối chặt từ):
Cuối cùng xin nhắc một câu
Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta
(đầu là hàng đầu)
Lối biến tấu thanh điệu:
Liên hoan có một nải chuồi (chuối)
Ra về nhớ mãi cái "buồi" hôm nay (buổi)
Lối hoan hô:
Hoan hô Trung tá Phạm Tuân
Bay lên vũ trụ một tuần về ngay
Lối biến âm để tạo vần:
Chú về công tác bảo tàng
Cũng là công việc cách màng giao cho
(cách mạng)
Hậu Bút Tre
Bút Tre – Đặng Văn Đăng xứng đáng được tôn vinh làm Chủ soáicủa một trường phái, ở đâu cũng tạo ra những vần thơ Bút Tre để mà vui. Cái hay, cái độc đáo của Thơ Bút Tre là ai cũng có thể sáng tác được, thậm chí còn hay hơn nữa – Hậu sinh khả úy.
Hoan hô đồng chí Bút Tre
Thơ phú ngang phè mà lại hóa hay
Phải chăng trường phái thơ ngây
Làm cho ai cũng mê say thích nghè (nghe)
Ngày nay cuộc sống bộn bề
Nụ cười thuốc bổ: ca vè dân gian
Bởi ai cũng có thể làm
Bút Tre, bút nứa, lại càng bút bi... [5]
Bút Tre Tây
Một ông người Ốt – tra - lây (Australia)
Một ông đích thị là Tây bán nhà (Tây Ban Nha)
Một ông ở xứ buôn gà (Bungari)
Cả ba ông ấy đều là con dê (con rể)
Cùng nhau có một lời thề
Làm con dê cụ không về bên Tây (con rể cụ)
Bút Tre World Cup
Việt Nam rồi sẽ có ngày
Tham gia World Cup đứng đầu bảng A
Thể lực thì có khó gì
Cứ xơi meat dog là ghi được bàn (thịt chó)
Kìa xem đội tuyển Nam Hàn
Xơi nhiều thịt chó nên toàn thắng luôn
Giai thoại
Theo Ngô Quang Nam trong "Lối thơ Bút Tre", NXB Văn Hoá 2000, khi ông Đăng (Bút Tre) làm trưởng ty văn hóa, ông ký quyết định cho ông Nguyễn Lộc ở Hợp tác xã Phùng Nguyên đi học về bảo tàng, ông Lộc không muốn đi, Bút Tre đã gửi cho ông Lộc hai câu:
Chú sang công tác bảo tàng
Đó cũng là việc cách màng giao cho.
Khi chủ tịch Hồ Chí Minh mất, Bút Tre cảm thán:
Bỗng nghe tin sét đánh ngang
Bác Hồ đang sống, chuyển sang từ trần.
Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng, khi ký tên thường không đánh dấu các chữ tiếng Việt nên viết là Dang Van Dang, mọi người đọc không dấu là Giăng-Van-Giăng, đồng âm với tên nhân vật chính trong "Những người khốn khổ" của Victor Hugo. Từ đó những người cùng cơ quan gọi ông là Giăng Văn Giăng.
Nhà Bút Tre nghèo, ông ngủ trên một cái chõng tre, nhà không cánh cửa, chỉ che bằng phên liếp lá cọ, nghe tin người bạn mất trộm, ông đùa:
Cứ như tớ hoá lại hay
Chẳng lo giữ của cả ngày lẫn đêm
Cửa ngõ không phải cài then
Ai thăm cứ việc đẩy phên mà vào.
Di chúc Bút Tre
“
Tôi dặn, tiễn tôi tới suối vàng
Thưa kèn, giảm trống, chẳng đò ngang
Dứt đường Tây Trúc, kinh thôi tụng
Buông sách Thọ Mai, lễ chẳng màng
Xã hội, cơ quan ngừng phúng viếng
Họ hàng thân thuộc chút khăn tang
Hương thơm, đèn sáng, vòng hoa trắng
Trầm mặc, cử hành đám lễ tang
Ra đường sợ nhất công nông
Về nhà sợ nhất vợ không nói gì!
Vợ là cơm nguội nhà ta
Nhưng là phở tái thằng cha láng giềng
Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Rượu chè, cờ bạc, gái trai
Là thuốc trường thọ ông trời cho ta
Đêm nằm nghĩ mãi không ra
Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ
(Ai cũng làm được nhà thơ
Ai cũng có thể “sù cơ” của mình)
Muốn đuổi khách ra khỏi nhà
Đọc thơ được giải họ ra tức thì
Muốn cho trộm chẳng đến nhà
Đề vào trước cửa: Đây là nhà thơ
Đi đái thì đứng giữa đường
Hôn nhau lại đứng sau tường để che
Ghế thì ít, đít thì nhiều
Cho nên đấu đá là điều tất nhiên
Ba lạng ở chốn động tiên
Thừa chỗ đủ để cưỡi lên vạn người
Gái tơ cặp với bồ già
Như mai cổ thụ nở hoa bốn mùa
Vĩ nhân quân tử trên đời
Bên em cũng chỉ là người đàn ông
Im lặng vợ bảo giận gì
Tươi cười vợ bảo chắc đi với bồ
Quạnh hiu ngay giữa đất trời
Còn hơn hiu quạnh giữa người thân thương
Người mạnh nào cũng cô đơn
Bởi vì kẻ yếu đông hơn rất nhiều
Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy miễn bàn đúng sai
Con ta không phải của ta
Tai họa của nó mới là của ta
Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn
Cho nên được gọi là khôn hơn người
Em xinh đâu bởi nụ cười
Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn
Phạm Ngọc Chân Chủ nhiêm CLB thơ BÚT TRE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét