Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Những cơn sốt mơ hồ


 
(GDVN) - Người Trung Quốc không dùng tiền của mình làm hại đối tác, mà họ dùng ngay tiền của của đối tác làm công cụ trừng phạt đối tác. Thậm chí họ còn kiếm lợi...

Ngày 18/7/2013, Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề xã hội, thái độ và xu hướng dư luận xã hội toàn cầu của Mỹ (PEW), đã công bố kết quả khảo sát tại 38 quốc gia trên toàn thế giới về thái độ đối với Trung Quốc. Trong đó có tới 26/38 nước, người dân không thích cách làm ăn của Trung Quốc. Họ cho rằng Trung Quốc chỉ xem trong lợi ích của mình mà quên, mà xem nhẹ lợi ích của đối tác.
Tại một số quốc gia, số người dân không xem Trung Quốc là đối tác tin cậy chiếm tỷ lệ rất cao như tại Nhật Bản (89%), Hàn Quốc (79%), Úc (79%), Tây Ban Nha (85%), Ý (83%), Pháp (83%),  Anh (82%), Israel (79%), Jordan (71%), Thổ Nhĩ Kỳ (68%), Hoa Kỳ (60%), Kenya (77%), Nigeria (70%), Nam Phi (67%), Senegal (62%), Argentina (71%) và Chile (65%).

Đặc biệt, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil nhưng lại có tới hơn một nửa số người Brazil được hỏi (51%) không thích cách làm ăn của Trung Quốc. Và qua những con số đó đã lý giải tại sao người Trung Quốc lo lắng về hình ảnh của họ đang ngày càng xấu đi ở nước ngoài. 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường – những lãnh đạo có nhiệm vụ làm thay đổi hình ảnh của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế. Ảnh: EPA.
Qua khảo sát của PEW với người dân Trung Quốc thì 56% người dân nước này được hỏi cho rằng, đất nước của họ nên được tôn trọng hơn. Tuy nhiên, mong muốn là như vậy nhưng người Trung Quốc ra làm ăn ở nước ngoài lại không hướng tới việc thay đổi hình ảnh của họ mà thậm chí còn làm xấu hơn với những cách thức làm ăn không minh bạch của mình. 
Trong số những thủ thuật, thủ đoạn mà Trung Quốc thực hiện ở nước ngoài có việc tạo những “cơn sốt mơ hồ” nhưng cực nóng trên thị trường. Đây là một trong những thủ đoạn hết sức nguy hiểm, với những chiêu trò có thể gây ra nhiều nguy hại rất lớn cho đối tác mà đích hướng tới là làm cho đối tác suy yếu và kiệt quệ.

Những hàng hóa đặc biệt
Tại một số quốc gia được xem là bạn hàng của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, cứ thỉnh thoảng lại lên cơn sốt về việc một loại sản phẩm nào đó với nhu cầu và giá cả tăng đột biến, vượt quá sức tưởng tượng của người cung ứng. Đặc biệt những mặt hàng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của nước sở tại càng lớn bao nhiêu thì mức độ sốt càng dữ dội bấy nhiêu.

Có những sản phẩm đang được trao đổi, mua bán rất bình thường bỗng dưng dự luận đưa lên thành những loại hàng hóa đặc biệt, giá cả tăng lên theo cấp số nhân, thị trường liên tục nóng bởi nhu cầu liên tục gia tăng. Và loại hàng hóa này còn đặc biệt ở cả cách mua cách bán, cách tiếp cận và kiểm tra hàng hóa.
Có những mặt hàng vốn là những thứ hết sức thông thường và không bao giờ người ta nghĩ nó có thể trở thành hàng hóa, bỗng dưng có những đơn đặt hàng với những yêu cầu đặc biệt và giá cả bất ngờ. Dư luận xôn xao, cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp và nền kinh tế có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhưng tại sao lại có hiện tượng bất thường ấy thì từ các chuyên gia nghiên cứu về các lĩnh vực kinh tế tìm hiểu nhu cầu đến chuyên gia về kỹ thuật tìm hiểu về giá trị sử dụng, thậm chí cả chuyên gia trong lĩnh vực y khoa nghiên cứu về công dụng của sản phẩm, hàng hóa, tất cả đều bó tay, không thể lý giải được.
Người có nhu cầu có thường không xuất hiện, mà chủ yếu là qua bộ phận trung gian tìm hiểu thị trường và bộ phận thu gom – thương lái. Và qua những lực lượng này thì dư luận chỉ có được những thông tin hết sức mơ hồ về mục đích mua bán và công dụng sản phẩm. 
Doanh nhân Trung Quốc – lực lượng góp phần làm xấu hình ảnh Trung Quốc trên thế giới. Ảnh: Bloomberg.
Song chỉ biết rằng thị trường trong thời kỳ những “cơn sốt mơ hồ” hoành hành thì vô cùng nóng. Với những sản phẩm dạng tư liệu sản xuất thì nó nóng còn hơn là mua bản quyền sáng chế hay bí mật gia truyền của những mặt hàng đang hút như “cơm ăn nước uống” hàng ngày. Còn với những mặt hàng tiêu dùng thí nó nóng như việc mua bán sản phẩm “cải lão hoàn đồng”.
Và cứ như thế, thị trường nghiêng ngả theo những bí mật của người mua mà không bao giờ được bật mí. Thậm chí, đến khi kết thúc những cơn sốt hay loại hàng hóa đó không còn được mua bán nữa thì thông tin về mục đích, công dụng của nó vẫn nằm trong màn bí mật  Song có lẽ người bán cũng chẳng quan tâm tới những bí mật đó, chỉ cần bán được hàng với giá cao.
Tuy nhiên, thực ra đằng sau những cơn sốt ấy là những kế hoạch được vẽ ra một cách bài bản và cực kỳ thâm sâu, mà mục tiêu của nó là móc túi những đối tác trực tiếp, còn mục đích là làm thiệt hại cho cả một nền kinh tế với những cơn sốt hết sức mơ hồ ấy, theo Forbes Asia ngày 24/9/2014.
Người ta mua lá mãng cầu non, người ta mua râu bắp ngô non hay người ta mua móng trâu, lá vải, đỉa… để làm gì thì không ai biết được, hiểu được. Y khoa với những công cụ hỗ trợ lâm sàng kỹ thuật cao cũng không thể tìm ra đâu là những hàm lượng tố chất, hợp chất có thể tạo nên những loại dinh dưỡng hay biệt dược mà công dụng của nó có thể làm tăng sức lực cho con người. 

Quy trình ngược tinh vi

Tuy nhiên, có một điều ai cũng nhận ra ngay đó là sự chuyển đổi mục đích các hoạt động kinh tế diễn ra một cách tự nhiên nhưng rất nguy hiểm. Đó là người trồng mãng cầu không phải để lấy quả mà chỉ để lấy lá non, người ta trồng ngô không phải để lấy lương thực phục vụ cho sản xuất và chăn nuôi mà chỉ để lấy râu non bán.
Và thế là hai hiệu ứng xấu với nền kinh tế xảy ra. Thứ nhất, các kế hoạch kinh tế vĩ mô bị phá vỡ, thị trường sản phẩm thiếu hụt và nguy cơ xảy ra hàng lọat những hợp đồng kinh tế có bị vi phạm và phải bồi thường. Doanh nghiệp lao đao và mất uy tín. Nền kinh tế mất đi sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, đời sống kinh tế - xã hội bị xáo trộn khi cơn sốt đang ở mức cao trào và bị đảo lộn khi cơn sốt hạ nhiệt và chấm dứt. Mà cụ thể là tâm lý lo âu và chờ đợi của những nhà cung ứng không chuyên nghiệp cho một nhu cầu tự phát bất thường.
Lo âu là không biết nhu cầu tiếp theo là mặt hàng nào. Và chờ đợi những cơn sốt trong tương lai. 
Hậu quả là một nền sản xuất sẽ bị thu hẹp – người ta không biết sản xuất sản phẩm gì, trồng cây gì, nuôi con gì – thậm chí người ta không tập trung nhiều vào sản xuất bởi nguồn lợi từ hoạt động thương mại trong thời kỳ của những “cơn sốt mơ hồ” làm cho người sản xuất, nhà sản xuất giảm động lực – sức mạnh kinh tế nội lực cũng từ đó mà suy giảm.
Người mua cũng là người bán
Các quốc gia trên thế giới cho rằng, Trung Quốc sử dụng tiềm lực của một nền kinh tế lớn mà thực hiện những chính sách làm suy yếu những nền kinh tế nhỏ, không ngang bằng trong quan hệ kinh tế với họ. Người dân các nước trên thế giới cho rằng người Trung Quốc dùng tiền để phá hoại kinh tế đất nước họ, làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của họ.
Nếu sự việc diễn ra đúng như vậy thì vẫn còn may mắn. Song Trung Quốc không sử dụng nguồn lực vào việc triệt hạ đối thủ, người Trung Quốc không dùng tiền của mình làm hại đối tác, mà họ dùng ngay tiền của của đối tác làm công cụ trừng phạt đối tác. Thậm chí họ còn kiếm lợi trên những hoạt động ấy – ngoài những tác động xấu đến kinh tế - xã hội của nước sở tại. 
Thương lái Trung Quốc thường tìm mua những thứ lạ đời, ảnh: Phuninh.gov.vn.
“Có ba giai đoạn để hiểu về chính sách của Trung Quốc đối với việc giải quyết bất cứ vấn đề gì là: Tuyên bố về ý định, thiết kế chính sách và thực hiện chính sách. Nhưng điều quan trọng cần phải nhớ và luôn luôn phải nhớ, với Trung Quốc thì giá trị của vấn đề chỉ nằm ở giai đoạn cuối cùng của vấn đề - thực hiện”, Forbes Asia bình luận.
Thủ thuật mà người Trung Quốc thực hiện là đóng vai cả người mua và người bán chỉ trong một nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Và đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm nên sự bí mật không bao giờ được bật mí – nguyên nhân tao nên những “cơn sốt mơ hồ”.
Khi biết điều này thì ngươi ta mới hiểu rằng người mua sản phẩm không quan tâm đến công dụng của nó.
Bắt đầu là việc tạo dư luận về nhu cầu rất lớn, rất gấp về một sản phẩm nào đó khởi nguồn cho hoạt động cung – cầu. Tiếp theo là dùng một khoản tài chính rất nhỏ (khoản này sau đó sẽ được thu về hết) tiếp sức cho ít nhất 3 đối tác là lực lượng trung gian - thương lái. Tạm gọi là đối tác A, đối tác B và đối tác C.
Chủ hàng Trung Quốc sẽ đưa thời hạn giao hàng khác nhau cho 3 đối tác theo thứ tự A, B, C với nguyên tắc, đối tác được đặt hàng trước tiên thì giao cuối cùng, đối tác được đặt hàng cuối cùng thì giao trước tiên. Và động thái tiếp theo là hối thúc C giao hàng. Vì đã tính toán nên chủ hàng biết C không thể có hàng để giao đúng thời hạn và có nguy cơ phải bồi thường. 
Lúc này người mua “trong bóng tối” thông qua lực lương trung gian khác – tiếp thị - thông tin về khả năng cung ứng hàng hóa của đối tác B cho C biết. Do B chưa tới thời hạn giao hàng nên sẽ bán cho C, còn C sợ bồi thường nên phải mua giá cao để giao trót lọt lô hàng đầu tiên. Thế là B bàn hàng cho C mà quên rằng, người mua đã tính toán là B sẽ lại có nguy cơ như C.
Và B sẽ mua hàng của A tương tự như C mua lại của B vậy. Đến lượt A cũng thế, nhưng phải mua từ chính chủ hàng. Thế là A, B, C cứ chạy lòng vòng theo sự điều khiển của chủ hàng Trung Quốc với sức ép về thời gian giao hàng, số lượng hàng hóa và giá cả hàng hóa theo hướng có lợi cho họ và đưa đối tác vào chân tường với sự lựa chọn “vớt vát được đồng nào hay đồng đó”.
Khi chủ hàng thấy nguy cơ bại lộ và mục đích cũng đã đạt được thì mọi việc chấm dứt một cách đột ngột và hậu quả là hàng kho sản phẩm không có người mua. Thiệt hại vô cùng lớn cho người sản xuất và tầng nấc trung gian. Kinh tế - xã hội cũng vì vậy mà có những hỗn loạn với những hiện tượng nợ nần, phá sản.
Hình ành cố Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Tập Cận Bình trên một biểu trưng của người dân Trung Quốc. Ảnh: picture.dot.news.
Theo người viết thì có thể trong số liệu về xuất khẩu của hải quan các cửa khẩu tại Việt Nam có lẽ không có số liệu về những mặt hàng đặc biệt này được xuất qua Trung Quốc hoặc nếu có thì cũng mang tính chiếu lệ. Nó sẽ ít hơn rất rất nhiều số lượng sản phẩm được cung ứng bởi những đối tác và thực ra có thể nó vẫn nằm tại Việt Nam, nhưng không còn ai quan tâm tới nữa.
Hiện tượng giá gỗ sưa tăng đột biến gấp hàng chục lần chỉ sau vài tháng hay hàng ngàn tấn rễ gỗ trắc tồn kho tại Việt Nam, không được thương nhân Trung Quốc cho xuất vào năm 2007 - 2008…cũng có phần nguyên nhân bởi chiêu thức chủ hàng Trung Quốc đóng vai cả người mua và người bán.
Sau một thời gian nguôi ngoai thì lại có một cơn sốt về một mặt hàng nào đó mà không ai biết trước, lường trước được. Song có nhiều người ở nhiều quốc gia vẫn ngả nghiêng theo những cơn sốt mơ hồ ấy mà hậu quả luôn là mất tiền mất của, mất cả sức lực và niềm tin. 
Vì vậy, có người cho rằng có thể sắp tới sẽ có một cơn sốt về xe gắn máy Trung Quốc đã qua sử dụng hay hàng giá rẻ của Trung Quốc đã qua sử dụng tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới với chiêu thức mua giá cao và bán giá rất cao. Hậu quả là tiền của người Việt Nam và người dân các quốc gia khác trên thế giới sẽ chảy vào túi thương nhân Trung Quốc.

Nước cờ lợi hại

Có một điều rất lợi hại là những mặt hàng mà người Trung Quốc hướng vào gây nên những cơn sốt mơ hồ ở nước ngoài hầu hết không phải là những mặt hàng quốc cấm hay bị giới hạn mua bán, trao đổi. Do vậy, họ vô tư thực hiện chiêu thức của mình mà không sợ bị cơ quan thực thi pháp luật nước sở tại “sờ gáy” hay ngăn cản.
Có thể thấy rằng, Trung Quốc có thể sử dụng bất cứ công cụ nào, ở bất cứ tầng nấc nào, với bất cứ lĩnh vực nào trong quan hệ đối ngoại, nhằm mục tiêu làm suy yếu đối tác, khiến đối tác phụ thuộc, lệ thuộc vào mình, từ đó điều khiển đối tác phục vụ cho ý đồ thống trị của họ, theo The Guardian. 
Trung Quốc chỉ sử dụng những công cụ sức mạnh để thực hiện tấn công trực diện nhưng chiến thắng thì chưa thể khẳng định, còn với những trở lực tiềm tàng, Trung Quốc sử dụng những công cụ mềm song rất nguy hiểm, làm suy yếu đối phương bằng những đòn tấn công âm thầm mà khi bị hạ nốc ao người ta mới nhận ra kẻ thù chính là những người bạn hàng quen thuộc.
Nguồn: Ngọc Việt (giaoduc.net.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét